Liên quan đến việc loạt bài báo của Báo Công Thương về nước hoa Charme Perfume của Công ty Cổ phần Charme Perfume đang khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, lo lắng vì có khả năng bị lừa dối. Bởi việc sử dụng hàng không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là sản phẩm nước hoa, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của người tiêu dùng.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) |
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) để làm rõ hơn về những khía cạnh pháp lý liên quan đến vấn đề này.
Theo điều tra của Báo Công Thương, sản phẩm nước hoa Charme Perfume có sử dụng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc và một phần nguyên liệu từ Pháp. Vậy thưa luật sư, nếu như Công ty Cổ phần Charme Perfume không nhập 100% nguyên liệu từ Pháp như công ty cam kết, không sản xuất theo đúng công nghệ châu Âu thì sẽ vi phạm những quy định gì?
Trên trang web chính thức (https://charmeperfume.com), Charme Perfume công bố, nước hoa Charme được sản xuất tại Việt Nam theo công thức hoàn toàn được chuyển giao từ châu Âu với công nghệ điều chế, chiết xuất và chưng cất hiện đại. Nhà máy sản xuất đạt chuẩn ISO và GMP. Tất cả nguyên liệu của Charme đều được nhập khẩu chính ngạch từ châu Âu với C/O – xuất xứ rõ ràng.
Một chiếc container nhập – xuất hàng có chữ Trung Quốc vào giữa tháng 9/2022 được phóng viên Báo Công Thương ghi lại |
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo kết quả điều tra của Báo Công Thương, nếu việc nhập khẩu nguyên liệu cho sản phẩm nước hoa được pha trộn giữa nguyên liệu nhập từ Trung Quốc và một phần từ Pháp, thì công ty này có dấu hiệu của hành vi giả mạo về nguồn gốc hàng hoá.
Nghiêm trọng hơn, nếu qua kiểm tra cho thấy, sản phẩm nước hoa của công ty này có giá trị sử dụng không đúng so với giá trị sử dụng đã công bố hoặc đăng ký; có một trong các chỉ tiêu chất lượng tạo nên giá trị sử dụng chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hoá, thì rõ ràng có dấu hiệu của hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả.
Đối với hành vi vi phạm này, cơ quan chức năng sẽ tiến hành đánh giá, xem xét về tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi để đưa ra các chế tài xử phạt tương ứng. Theo đó, việc xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Giấy phép Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cấp cho nhà máy sản xuất (tại số A5/159C Láng Le Bàu Cò, Ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) của Charme Perfume là cho Công ty TNHH Charme Perfume. Tuy nhiên, trên bao bì nhãn mác sản phẩm lại ghi là Công ty Cổ phần Charme Perfume? Thưa luật sư, việc ghi nhãn mác này có vi phạm các quy định về nhãn mác không?
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa. Theo đó, nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định trên và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa theo quy định Điều 9 Nghị định 43.
Giấy phép cấp cho Công ty TNHH Charme Perfume (ảnh trên), nhưng trên nhãn mác lại ghi là sản xuất tại Công ty cổ phần Charme Perfume (ảnh dưới) |
Như vậy, theo quy định trên, khi ghi nhãn mác thì công ty này phải ghi đúng như tên được ghi trên Giấy phép Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cấp cho nhà máy sản xuất (tại số A5/159C Láng Le Bàu Cò, Ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) của Charme Perfume là cho Công ty TNHH Charme Perfume, chứ không phải là Công ty Cổ phần Charme Perfume.
Hành vi ghi không đúng tên của tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hóa đã vi phạm quy định về nội dung nhãn mác. Và theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi khoản 23 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP, thì công ty này sẽ bị xử phạt hành chính do hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Tùy theo giá trị của hàng hóa, mà công ty này có thể bị phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, công ty này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và phải buộc thay đổi, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành.
Hết thời hạn này, nếu công ty trên không tiến hành thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp thì cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Một số quảng cáo ghi rằng sản phẩm này có “xuất xứ là Pháp – Việt”? Vậy luật sư cho biết, trong việc ghi nhãn mác có quy định như vậy không?
Như quy định tại Điều 10 Nghị định 43/2017, sửa đổi bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP thì xuất xứ hàng hóa là nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn mác hàng hóa. Cụ thể, theo quy định tại Điều 15 của Nghị định:
“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
2. Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Nước hoa Charme được quảng cáo có xuất xứ là Pháp – Việt |
3. Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
4. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt”.
Trên website http://charmeperfume.vn – website chính thức của thương hiệu nước hoa Charme Perfume thì phần giới thiệu thể hiện: “Nước hoa Charme được nhập khẩu nguyên liệu hoàn toàn từ Pháp và được sản xuất chiết rót tại nhà máy Việt Nam theo công thức hoàn toàn được chuyển giao từ châu Âu với công nghệ điều chế và chưng cất hiện đại. Nhà máy sản xuất đạt chuẩn ISO và GMP”.
Như vậy, theo quy định trên, xuất xứ của hàng hóa ghi trên nhãn mác phải ghi rõ nơi xuất xứ là tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra. Tức nếu nước hoa Charme có xuất xứ ở Pháp thì phải ghi xuất xứ tại Pháp, nếu được sản xuất tại Việt Nam thì phải ghi là sản xuất tại Việt Nam chứ không thể ghi xuất xứ là Pháp Việt như quảng cáo.
Luật cũng đã quy định rõ trong trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi tại nơi thực hiện công đoạn cuối cùng. Ví dụ sản phẩm nước hoa này được đóng gói tại Việt Nam thì phải ghi đóng gói tại Việt Nam.
Theo luật sư, trách nhiệm của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh quy định cụ thể như thế nào đối với hồ sơ công bố sản phẩm. Bởi lẽ, nguyên tắc phải làm hồ sơ PIF, thử nghiệm trên người trước khi công bố sản phẩm, lưu hành ra thị trường. Tuy nhiên, nếu những hồ sơ này không đạt thì sẽ vi phạm những điều khoản gì? Trách nhiệm quản lý của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh ở đâu, thưa luật sư?
Theo Phụ lục 1 về danh mục minh hoạ theo nhóm mỹ phẩm của Hiệp định về hệ thống hoà hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm thì, nước hoa thuộc trường hợp phải tiến hành thủ tục công bố mỹ phẩm trước khi lưu hành.
Tuy nhiên, với thành phần, dạng thể chất và mục đích sử dụng riêng, thủ tục công bố mỹ phẩm đối với nước hoa so với các loại mỹ phẩm khác cũng có một số khác biệt nhất định. Thông thường, việc quản lý công bố lưu hành mỹ phẩm không chỉ được hiểu là quá trình chuẩn bị hồ sơ, xin cấp giấy chứng nhận công bố lưu hành mỹ phẩm mà còn cả giai đoạn lưu trữ thông tin hồ sơ để các cơ quan thanh tra tiến hành kiểm tra và thống kê tính xác thực của sản phẩm và giấy phép tương đương các cá nhân, tổ chức.
Theo đó, hồ sơ PIF gồm 4 phần chính: Tài liệu hành chính và tóm tắt về sản phẩm; chất lượng của nguyên liệu; chất lượng của thành phẩm; an toàn và hiệu quả tại Điều 12 Thông tư 06/2011/TT – BYT sửa đổi, bổ sung Thông tư 32/2019/TT-BYT
Và theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư 06/2011/TT-BYT, Cơ quan có quyền hạn, nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết và lưu trữ hồ sơ là Sở Y tế nơi đặt nhà máy sản xuất. Thông qua đánh giá hồ sơ, Sở Y tế sẽ ban hành số tiếp nhận công bố. Sau khi có số tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm, sản phẩm sẽ được tự do lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 7 Thông tư trên, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp lệ và lệ phí công bố theo quy định, Sở Y tế có trách nhiệm ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Trường hợp hồ sơ công bố chưa đáp ứng quy định của Thông tư thì trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Y tế thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố biết các nội dung chưa đáp ứng để sửa đổi, bổ sung.
Sau đó, trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ sửa đổi bổ sung, nếu hồ sơ hợp lệ thì sẽ được Sở Y tế ban hành tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Bên trong khu chiết rót nước hoa của Công ty Cổ phần Charme Perfume |
Như vậy, theo quy định này, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ có trách nhiệm đối với hồ sơ công bố sản phẩm. Việc sản phẩm mỹ phẩm có được tự do lưu thông trên thị trường hay không là phụ thuộc vào đánh giá của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh.
Vì vậy, trong trường hợp phát hiện hồ sơ công bố sản phẩm nước hoa của Charme perfume không đúng các nội dung trong phiếu công bố sản phẩm thì cơ quan này có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 2 Thông tư 37/2021/TT-BYT khi có kiến nghị thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm.
Còn đối với Công ty Charme Perfume có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi phạm quy định về Công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định tại Điều 68 Nghị định 117/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 13 Điều 2 Quyết định số 2728/QĐ-BYT ngày 3/5/2018, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tham gia chỉ đạo, hướng dẫn việc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Vậy, ông có thể nói rõ hơn về quy định, quy trình cấp phép đối với dòng sản phẩm này ra sao, thưa luật sư?
Trước hết, để cơ sở kinh doanh được quyền sản xuất nước hoa phải tiến hành đăng ký ngành nghề có liên quan đến hoạt động sản xuất mỹ phẩm, căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 93/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Sau đó, cần xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm của Sở y tế.
Trong đó, điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận bao gồm các điều kiện về nhân sự (người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc);
Cơ sở vật chất (có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại…);
Có hệ thống quản lý chất lượng (nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm; có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm…).
Ngoài ra, để tiến hành nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất nước hoa tại Việt Nam, doanh nghiệp cũng cần đáp ứng những điều kiện nhất định và phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.
Cụ thể, nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm chưa phải là mỹ phẩm nên nhập khẩu như hàng hóa là hóa chất thông thường. Đối với nguyên liệu (bao gồm cả bán thành phẩm) nhập khẩu để sản xuất mỹ phẩm: thực hiện theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP.
Nước hoa Charme quảng cáo được sản xuất tại Việt Nam theo công thức hoàn toàn được chuyển giao từ châu Âu với công nghệ điều chế, chiết xuất và chưng cất hiện đại |
Tuy nhiên cần lưu ý, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất mỹ phẩm tuy không thuộc danh mục quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế, nhưng có thể thuộc danh mục quản lý của Bộ ngành khác (ví dụ như hóa chất, thuộc diện quản lý của Bộ Công Thương), hoặc phải kiểm tra chuyên ngành (như nguyên liệu từ thực vật phải kiểm dịch thực vật) để thực hiện đúng quy định về chính sách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với từng loại nguyên liệu.
Tương tự như việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định. Trong đó có một số điều kiện như: Là doanh nghiệp trong mã ngành có ngành nghề kinh doanh hóa chất; Cơ sở vật chất – kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong kinh doanh hóa chất; Đối với hóa chất hạn chế kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp phải được tồn trữ, bảo quản ở một khu vực riêng trong kho hoặc kho riêng…
Sau khi đáp ứng được các điều kiện cụ thể theo quy định, cung cấp đủ giấy tờ, hồ sơ hợp lệ và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp mới có quyền nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài và tiến hành sản xuất, kinh doanh nước hoa theo đúng nội dung ngành nghề đã đăng ký kinh doanh.
Mức phạt cao nhất có thể lên tới 10 năm tù
Căn cứ vào Điều 12 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa có thể bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng, nếu hàng hoá là mỹ phẩm. Còn đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá, thì căn cứ vào Điều 11 Nghị định, mức phạt tiền cao nhất cũng lên đến 100 triệu đồng.
Trong trường hợp hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có dấu hiệu hình sự, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Cụ thể, nếu thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng trở lên; hoặc trị giá dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về một số tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại mà chưa được xoá án tích; hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng, sẽ bị phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 5 năm. Cùng hành vi phạm tội nhưng nếu do pháp nhân thực hiện sẽ bị phạt tiền từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng.
Nếu hành vi được thực hiện có tổ chức, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản hoặc sức khoẻ của người khác, mức phạt tù sẽ tăng lên 10 năm tù. Mức phạt tiền đối với pháp nhân sẽ từ 3 tỷ đến 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 3 năm.
Nguồn: congthuong.vn