Cái tên của hãng Apple gắn liền với biểu tượng quả Táo và công ty đang nỗ lực dùng pháp lý để đối đầu với mọi thách thức liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng của mình. Không chỉ ngăn chặn các biểu tượng tương đồng với logo của mình, đội ngũ pháp lý của Apple còn khiếu nại cả các biểu tượng có liên quan đến hình quả táo thông thường.
Logo của Hiệp hội Fruit Union Suisse
Báo cáo mới của Wired cho thấy, hãng Apple đang tiếp tục cuộc chiến pháp lý kéo dài 6 năm qua để chống lại Fruit Union Suisse, một hiệp hội được lập ra cách đây hơn 100 năm để quảng bá cho những người trồng hoa quả tại Thụy Sỹ. Lý do không có gì lạ, biểu tượng của Hiệp hội này cũng là một quả táo, nhưng là một quả táo hoàn chỉnh thay vì bị cắn dở như quả táo của hãng Apple.
Giám đốc hiệp hội, ông Jimmy Mariethoz cho biết, trong phần lớn thời gian 116 năm tồn tại của hiệp hội này, logo quả táo màu đỏ với chữ thập bên trong đã được sử dụng và vì vậy, việc Apple khiếu nại logo của họ thật kỳ quặc.
Ông Mariezthoz cho biết: “Chúng tôi rất khó hiểu về vụ kiện này (vụ kiện với Apple), bởi vì không có vẻ gì họ đang muốn bảo vệ biểu tượng quả táo cắn dở của họ. Mục tiêu của họ là thực sự sở hữu bản quyền đối với một quả táo thực, mà đối với chúng ta, vốn là thứ gì đó gần như quá phổ biến … nó nên được miễn phí sử dụng đối với mọi người.”
Cũng không phải ngẫu nhiên Apple gây ra cuộc chiến pháp lý đối với Hiệp hội này. Đúng là hình ảnh quả táo đỏ với chữ thập bên trong đã là biểu tượng của Hiệp hội này trong gần 100 năm qua, nhưng vào năm 2011, trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập của mình, Hiệp hội này đã chỉnh sửa nó để giống như hiện nay – một quả táo màu đỏ với chữ thập màu trắng bên trong cùng với cái cuống đã nghiêng hơn một chút so với trước kia.
Người ta vẫn đang tranh cãi về việc liệu logo hiện tại có giống biểu tượng của Apple đến mức làm người dùng nhầm lẫn hay không nhưng có thể nói rằng, biểu tượng đã giống hơn với logo của Apple so với biểu tượng cũ.
Năm 2017, Apple đã nộp đơn lên Viện Sở hữu Trí Tuệ Thụy Sỹ (IPI) để yêu cầu quyền sở hữu đối với hình ảnh mô tả về quả táo Granny Smith với 2 màu trắng đen thực tế. Cần lưu ý rằng, cho dù Hiệp hội Fruit Union Suisse dường như chỉ sử dụng biểu tượng với màu đỏ nhưng có thể trong tài liệu bảo hộ bản quyền của họ, vốn được in bằng mực thường, khiến nó hiển thị với 2 màu đen và trắng.
Tài liệu bảo hộ bản quyền của IPI cũng yêu cầu Apple phải nêu rõ trường hợp đối với biểu tượng hình ảnh này và Apple đã gửi một danh sách dài các thiết bị điện tử tiêu dùng và kỹ thuật số.
Cuối năm 2022, IPI đã chấp thuận một phần yêu cầu của Apple trong cuộc chiến pháp lý này khi cho biết, công ty chỉ có thể có quyền bảo hộ biểu tượng đối với một số danh mục nhất định mà họ đã gửi lên. Viện IPI trích dẫn một nguyên tắc pháp lý tuyên bố rằng, các hình ảnh chung về hàng hóa thông thường thuộc phạm vi sử dụng công cộng và không được bảo hộ. Giờ đây Apple đang kháng cáo đối với phán quyết này để giành quyền bảo hộ đối với phần còn lại trong yêu cầu của mình.
Nếu Apple chiến thắng, Hiệp hội 111 năm tuổi này của Thụy Sỹ nhiều khả năng sẽ buộc phải thay đổi logo của mình. Báo cáo của Wired cũng cho biết, Apple đang đưa ra các yêu cầu bảo hộ tương tự về nhãn hiệu của mình trên toàn cầu. Năm 2021, một công ty có tên PrePear cũng phải chỉnh sửa logo hình quả lê của mình để chấm dứt cái mà họ gọi là chiến thuật tấn công ác ý của Apple đối với biểu tượng của hãng.
Nguồn:Genk.vn